Đạo diễn: Alfred Hitchcock
Diễn viên: Cary Grant, Eva Marie Saint, James Mason
Nhà sản xuất: Metro-Goldwyn-Mayer (MGM)
Quốc gia: Mỹ - Châu Âu
Thời lượng: 136 phút
Thể loại: Phiêu Lưu
Năm sản xuất: 1959
North by Northwest là bộ phim thuộc thể loại phim giật gân, trinh thám hồi hộp đặc trưng phong cách của Alfred Hitchcook. Đặc trưng này thể hiện rõ trong cách xây dựng nhân vật và cấu trúc tự sự của phim. Chủ đề của phim đó là hành trình tìm ra sự thật để minh oan cho bản thân mình của nhân vật Roger khi anh ta bị kẻ xấu vu oan và bị cảnh sát truy bắt. Chủ đề của phim được xác lập thông qua hệ thống nhân vật chính/phụ rõ ràng. Nhân vật chính của phim là Roger Thornhill làm trong ngành quảng cáo. Sở dĩ Roger là nhân vật chính bởi tuyến truyện trong phim đều xoay quanh nhân vật này, theo bước chân anh ta từ khi bị bắt cóc, bị vu oan tội giết người, trốn chạy, tìm ra sự thật v.v… Mọi hành động và diễn biến trong phim đều xoay quanh diễn biến hành động của Roger diễn ra theo trình tự thời gian. Bên cạnh Roger là một số các nhân vật phụ khác như nhân vật “không có thật” George Kaplan, cô gái Eve Kendall, kẻ ác Phillip Vandamm… Những nhân vật phụ này đều giữ những vai trò nhất định và quan trọng trong việc xác định và làm nổi bật chủ đề của phim. Cái tên George Kaplan là “nguồn cơn” của vụ bắt cóc gây nhầm lẫn, kéo theo các sự kiện diễn ra sau đó, Phillip Vandamm là kẻ bắt đầu tội ác và khiến nhân vật chính Roger lâm vào rắc rối, nhân vật nữ Eve lại đóng vai trò khiến Roger thay đổi mục đích, động cơ hành động, biến một câu truyện trinh thám, mang tính hình sự về một kẻ vô tội chạy trốn trở nên lãng mạn và mang hơi hướng của một câu chuyện tình yêu nảy sinh trong rắc rối. Kiểu nhân vật chính như Roger - người đàn ông vướng vào luật pháp, cần tìm ra sự thật vướng vào quan hệ với nhân vật nữ xinh đẹp, gợi cảm và có bí ẩn về thân thế như Eve thường là một mô típ trong các phim của Alfred Hitchcook (như viên thanh tra sợ độ cao và cô gái đóng giả nạn nhân trong Vertigo).
Những bộ phim trinh thám, giật gân của Alfred Hitchcook thông thường đều sử dụng một mô típ trong cấu trúc tự sự, đó là cách sử dụng điểm nhìn chủ quan. Việc sử dụng điểm nhìn chủ quan (hầu như là của nhân vật chính Roger) trong bộ phim là một cách hữu hiệu để che giấu đi sự thực đằng sau những hành động của nhân vật, nhằm tạo bất ngờ, gây hồi hộp cho khán giả. Trong đoạn đầu phim, mọi hành động của nhân vật Roger đều được tái hiện dưới điểm nhìn của nhân vật này, từ khi anh ta bị bắt trong quán rượu, bị chuốc rượu tại căn biệt thự, lái xe trong tình trạng say rượu… hay quá trình tìm kiếm sự thật, tìm kiếm nhân vật Kaplan đều là cái nhìn chủ quan. Tuy nhiên, đôi khi đạo diễn vẫn lồng những chi tiết thuộc cái nhìn khách quan (kẻ ám sát Townsend, khuôn mặt người làm vườn chính là kẻ bắt cóc Roger khi mọi người rời khỏi biệt thự, tờ tin nhắn của Eve cho kẻ xấu trên toa tầu…) cho khán giả thấy điều nhân vật không thấy để làm tăng sự lo âu, hồi hộp nơi người xem. Hơn nữa, điểm nhìn của bộ phim này cũng phần nào quy định câu chuyện và cốt truyện của phim. Như chúng ta đã biết, câu chuyện trong North by Northwest là hành trình tìm kiếm sự thật minh oan cho bản thân của nhân vật chính Roger, kèm theo đó là nỗ lực của anh ta trong việc cứu người yêu (Eve) khỏi tay kẻ xấu Vandamm. Câu chuyện được tái hiện lại trong phim theo trình tự thời gian, kể từ khi xảy ra sự kiện Roger bị bắt cóc cho đến cuộc đối đầu tại căn nhà nghỉ bên sườn núi để giải thoát Eve. Điểm nhìn chủ quan (đôi khi sử dụng khách quan) trong bộ phim nhiều khi khiến các tình tiết xảy ra trong câu chuyện bị lược bỏ, đó là một đặc trưng dễ nhận thấy trong các phim trinh thám, giật gân của Alfred Hitchcook: chính vì nhân vật không thấy nên các sự kiện, chi tiết, hành động sẽ không diễn ra trên phim mà chỉ được tái hiện thông qua hồi tưởng, các đoạn đối thoại hay hành động của nhân vật (mà trong North by Northwest là những đoạn hội thoại giữa Roger và ông giáo sư, Roger và Eve, Vandamm và đồng bọn…). Có thể nói, cốt truyện của bộ phim là diễn biến cuộc hành trình tìm ra sự thật, cứu người yêu của Roger. Thông qua đó, người xem có thể dễ dàng nhận ra North by Northwest không đơn thuần chỉ có một tuyến truyện. Bên cạnh tuyến truyện hành trình tìm kiếm sự thật của Roger là tuyến truyện với sự xuất hiện của nhân vật Eve - cô gái mà ban đầu Roger tưởng là người của kẻ xấu cài vào để hại mình. Tuy nhiên, sau đó thân phận thật sự của Eve dần được tiết lộ, câu chuyện không chỉ đơn thuần chỉ xoay quanh việc Roger được minh oan, sự thật được làm sáng tỏ mà còn là sự thay đổi về động cơ của nhân vật: Roger đồng ý đóng giả làm Kaplan để cứu Eve, hơn nữa anh ta còn liều mình đến giải thoát cho cô tại căn biệt thự.
Đặc điểm nổi bật ở North by Northwest không chỉ thể hiện ở cách xây dựng nhân vật và cấu trúc tự sự mà còn nằm ở cấu trúc xây dựng kịch bản cổ điển của Hollywood: cấu trúc ba hồi. Thông thường, cấu trúc ba hồi Hollywood bắt đầu với hồi 1: giới thiệu nhân vật, tạo mâu thuẫn, hồi 2: thúc đẩy mâu thuẫn, đẩy nó lên cao trào và hồi 3: kết thúc mâu thuẫn. Chúng ta có thể nắm bắt rõ điều này trong bộ phim North by Northwest bằng cách xác định tuyến truyện chính trong phim. Bộ phim bắt đầu với việc giới thiệu nhân vật Roger: một người đàn ông bận rộn, làm trong ngành quảng cáo bị bắt cóc do nhầm lẫn. Những sự kiện xảy ra sau đó khiến người xem tin rằng anh ta bị nhầm lẫn với một người tên Kaplan, không những thế Roger còn bị vu oan trong một vụ giết người. Đó chính là hồi 1 của phim, đảm nhận nhiệm vụ giới thiệu nhân vật Roger và tạo kịch tính bằng việc Roger bị nghi ngờ là kẻ sát nhân. Hồi 2 bắt đầu khi Roger chạy trốn cảnh sát, gặp gỡ Eve, bị kẻ xấu truy sát, nghi ngờ Eve, gặp gỡ giáo sư, quyết định đóng giả Kaplan để cứu Eve cho đến đoạn tạo cái chết giả. Cái chết giả chính là sự kiện làm ngắt quãng giữa hồi 2 và hồi 3 với nhiệm vụ gieo vào khán giả sự lo lắng, nghi ngờ về số phận của nhân vật chính: anh ta sống hay chết, Eve thực sự là người xấu hay người tốt… Mâu thuẫn từ hồi 1 giữa Roger và nhân vật Vandamm tiếp diễn ở hồi 2, được đẩy cao bằng những lần Roger bị truy sát, bằng cuộc gặp gỡ với Eve. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ này giữa hai người cũng mở ra một tuyến truyện khác: mối quan hệ tình cảm giữa Roger và Eve. Mối quan hệ này diễn ra song song với mối quan hệ với Vandamm, với số phận nhân vật “ảo” Kaplan và ông giáo sư. Tuy ở hồi 2 sự thật về Vandamm, về nhân vật Kaplan đã được làm sáng tỏ nhưng vì động cơ thúc đẩy Roger hành động đã thay đổi nên việc dừng hồi 2 ở tình tiết vụ chết giả là hợp lý và rất có hiệu quả. Hồi 3 đóng vai trò giải quyết mâu thuẫn tất nhiên bắt đầu từ cuộc gặp gỡ giữa Roger và Eve trên đồi, trường đoạn Roger đột nhập vào căn nhà của Vandamm và một kết thúc đầy giật gân, hồi hộp bên sườn đồi. Cái kết có hậu trong North by Northwest cũng phần nào thể hiện một cấu trúc kịch bản cổ điển kiểu Hollywood khi hai người tốt chiến thắng cái ác và được hạnh phúc bên nhau. Cái kết này đối lập với phim Vertigo khi nhân vật nữ chính chết ở cuối phim để đền tội cho tội ác mà cô gây ra, tạo nên một cái kết không có hậu nhưng để lại nhiều suy nghĩ cho khán giả. Cái kết của North by Northwest cũng thể hiện đây là một bộ phim mang tính thị trường cao khi thỏa mãn cho khán giả trong việc tạo yếu tố hồi hộp, kịch tính, căng thẳng và cuối cùng là mọi việc được giải quyết tốt đẹp.